Lượt xem: 217

Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng ở An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung

Những năm gần đây, UBND xã An Thạnh Nam đã vận động nông dân khai thác thế mạnh của địa phương, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng diện tích đất canh tác, tăng thu nhập cho người dân.

    Nhiều năm về trước, phần lớn nông dân trên địa bàn xã An Thạnh Nam chủ yếu độc canh cây mía. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, hạn mặn diễn biến khó lường và cây mía không còn là cây trồng giá trị kinh tế cao khi giá bán luôn bấp bênh, nông dân phải đối diện với nhiều khó khăn nếu tiếp tục gắn bó với cây trồng này. Để thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, UBND xã An Thạnh Nam đã vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

    Đồng chí Phạm Kiên Trung - Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Nam cho biết, năm 2015 xã có khoảng 900 ha trồng mía, nhưng qua thời gian chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thì diện tích mía hiện chỉ còn 361 ha. Trong quá trình chuyển đổi, nhãn là loại cây trồng được nhiều nông dân chọn canh tác nhiều nhất do phù hợp với thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao hơn cây mía, hiện tại trong số 344 ha trồng cây ăn trái của xã, đã có đến 305 ha trồng các loại nhãn như: ido, da bò...


Ông Nguyễn Văn Kế chăm sóc rẫy dưa hấu, đây là một trong những cây màu được chuyển đổi từ diện tích mía kém hiệu quả. Ảnh Thiện Hải

 

    Thời gian đầu, việc chuyển đổi cây mía sang trồng cây ăn trái còn nhiều khó khăn do nông dân trên địa bàn xã vốn quen với việc canh tác mía, ít tốn công chăm sóc nên khi chuyển qua làm vườn, nhiều hộ còn lúng túng chưa nắm vững kỹ thuật trong canh tác. Để giải quyết khó khăn này, địa phương đã phối hợp với các ngành chuyên môn để hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, nhiều nông dân còn tự tìm tòi học hỏi để thích ứng với lối sản xuất mới; đặc biệt, để trợ lực cho nông dân, Huyện ủy, UBND huyện Cù Lao Dung đã có chính sách hỗ trợ 50% chi phí cây giống khi chuyển từ mía qua nhãn, gần 5 năm qua đã có trên 80 hộ của xã được thụ hưởng chính sách này. Riêng đối với việc chuyển đổi từ mía sang trồng màu, nhiều hộ cũng được hỗ trợ thiết bị tưới phun tiết kiệm nước để giảm công lao động, tăng năng suất cây trồng và góp phần tiết kiệm tài nguyên nước.

    Với những chủ trương hợp lý cùng cách làm hiệu quả, An Thạnh Nam đã có những bước tiến quan trọng trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nâng cao đời sống của Nhân dân ở địa phương. Ông Nguyễn Văn Kế - ấp Vàm Hồ A cho biết: “Sau nhiều năm trồng mía không đem lại hiệu quả, tôi đã chuyển 1 ha mía sang trồng các loại màu như: Dưa hấu, bí, gừng… trong đó, khoai môn hiện là cây trồng chủ lực vì so với 1 công mía phải đạt 15 tấn mới có lãi chừng 3 triệu đồng thì khi trồng khoai môn, nếu 1 công đạt năng suất 2 tấn, sau vài tháng canh tác và có giá bán 15.000 đồng/kg, trừ chi phí thì tôi có thể lãi đến 10 triệu đồng. Chưa kể, sau vụ khoai môn thì tôi còn trồng thêm các vụ màu ngắn ngày khác”.

    Cũng chuyển đổi từ mía sang cây trồng khác, nhưng ông Trương Văn On - ấp Vàm Hồ A lại chọn cây nhãn làm cây trồng chủ lực vì theo ông On, nhãn là cây trồng phù hợp với vùng đất của địa phương, nên ông mạnh dạn chuyển 4 ha mía kém hiệu quả sang trồng nhãn da bò và nhãn ido. Ông On cho biết, hiện nay vườn nhãn của ông đã có 3 mùa cho trái, trung bình 1 công có 60 gốc nhãn, mỗi gốc cho thu nhập từ 300.000 – 400.000 đồng, cao hơn so với trồng mía trước đó.

    Qua 5 năm đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng nói riêng và thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế nói chung, hiện nay, xã An Thạnh Nam còn 52 hộ nghèo, giảm rất nhiều so với năm 2015. Tuy vậy, việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã vẫn còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều nông dân phải chịu thất thu bởi thời tiết diễn biến thất thường, ông On chia sẻ thêm: “Sau vài vụ phát triển tốt đến năm nay vườn nhãn nhà tôi không cho trái, nguyên nhân lớn có thể do thời tiết xấu”. Mặt khác, đầu ra của nông sản hiện chưa ổn định và hạ tầng vận chuyển hàng hóa trên địa bàn xã chưa đảm bảo, cũng là những nguyên nhân gây khó khăn cho nhiều nông dân hiện nay.

    Đồng chí Phạm Kiên Trung cho biết thêm, việc liên kết trong sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ cho nông dân trên địa bàn xã đã và đang được Huyện ủy, UBND huyện Cù Lao Dung và địa phương quan tâm để giúp nông dân có đầu ra ổn định. Thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp đến khảo sát vùng trồng nhãn để tiến tới liên kết với nhà vườn, một số diện tích sản xuất của xã đã được ngành nông nghiệp hỗ trợ xây dựng mã code vùng trồng. Huyện cũng có định hướng quy hoạch vùng sản xuất tập trung kèm theo đó là hạ tầng được đầu tư, gắn sản xuất với tiêu thụ cho nông dân. Bên cạnh đó, xã cũng phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương để khai thác du lịch sinh thái do là xã ven biển, có rừng bần nguyên sinh và nguồn thủy sản được nuôi dưới tán rừng.

    Những kết quả bước đầu đạt được trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở An Thạnh Nam đáng khích lệ, khẳng định chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc khai thác, tận dụng tốt tiềm năng thế mạnh, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Đây là tiền đề để địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng mô hình tổ hợp tác, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Thiện Hải



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 70
  • Hôm nay: 7485
  • Trong tuần: 78,192
  • Tất cả: 11,801,512